Thông thường thì tâm lý mua sắm của mọi người hiện tại là ngại mua hàng online. Một phần cũng là do thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam vẫn đang trong quá trình chuyển mình phát triển, các phương thức thanh toán vẫn chưa thật sự được phổ biến tới người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trước. Chưa kể thực tế một số bộ phận giới trẻ hiện tại cũng chưa thật sự tin tưởng trong việc mua và thanh toán trực tuyến. Trong khuôn khổ bài viết blog sẽ cùng phân tích, chia sẻ và giải đáp các khía cạnh về vấn đề này để bạn có thêm kinh nghiệm mua sắm online an toàn hơn.
Tại sao mua hàng online giá lại rẻ hơn?
Để giải đáp thắc mắc này thì cần phải hiểu cơ bản về hành trình của mỗi sản phẩm ngay từ khi xuất xưởng tới khi tới các đơn vị đại lý, cửa hàng phân phối (các cấp) và sau cùng mới tới khách hàng. Quá trình vận hành này qua càng nhiều khâu trung gian thì chi phí càng đội lên. Đó là lý do giá bán sẽ bị tác tác động ít nhiều. Dù có thể bạn đã biết các nhà phân phối đều có chính sách quy định về giá bán Unilateral Pricing Policy (UPP), “Chính sách định giá bán đơn phương”, buộc hầu hết các nhà bán lẻ tuân thủ mức giá bán sản phẩm của họ nhằm chống phá giá.
Vậy thôi thì mua online có khác gì đâu? làm sao nó lại rẻ hơn được? có, sản phẩm bạn đặt online sẽ không hẳn đã nằm ở nhà phân phối mà có thể đang nằm ở các kho tổng hoặc thậm chí các đơn đặt trước thì có thể có đơn họ mới sản xuất bổ sung (tối đa lợi nhuận). Nếu không có gì ảnh hưởng thì những sản phẩm này sẽ không chiếm chi phí ở rất nhiều khâu và dĩ nhiên giá sẽ tốt hơn, chưa kể bạn còn sử dụng được các loại mã giảm giá, ưu đãi thanh toán để giảm giá thêm nữa. Cụ thể các khâu sau:
- Chi phí mặt bằng, lưu kho tại cửa hàng, bảo dưỡng, trông coi.
- Chi phí nhân lực bán hàng, tư vấn viên, kỹ thuật.
- Chi phí vận chuyển, chuyển kho.
- Các chi phí liên quan tới thuế.
- …
Ngoài ra, bạn có thể hiểu thêm một vấn đề nữa là “thời gian bán ra sản phẩm càng nhanh càng tối ưu lợi nhuận“. Bạn có thể hiểu cơ chế này cơ bản như sau:
Ví dụ bỏ qua các vận hành trung gian, chi phí phức tạp khác thì giá gốc sản phẩm là 80k sẽ có 2 trường hợp bán ra như sau.
- Trường hợp 1: 10 sản phẩm bán giá 100k bán ra trong 5 ngày và mỗi sản phẩm lãi 20k => lãi 200k.
- Trường hợp 2: 10 sản phẩm bán giá 90k bán ra trong 1 ngày và mỗi sản phẩm lãi 10k => lãi 100k.
Vậy rõ ràng có thể thấy là mức giá bán thấp hơn nhưng vẫn có lãi có thể sẽ bán được nhiều sản phẩm hơn nếu trong cùng khoảng thời gian. Tổng chi phí xử lý đơn cũng rẻ hơn, lợi nhuận lại có thể bằng hoặc trường hợp này tối đa là nhiều hơn vì trong 5 ngày ở trường hợp 2 xem như bán được 50 sản phẩm thì lãi thu về tối đa 500k so với 200k trường hợp 1.
Đây chỉ là một quá trình cơ bản để giải thích vì sao mua online giá luôn luôn tốt hơn so với mua tại cửa hàng. Dĩ nhiên, không hẳn lợi nhuận trong 2 trường hợp mô phỏng trên sẽ luôn đúng cho hầu hết các dòng sản phẩm khác nhau mà nó cũng còn phụ thuộc vào dung lượng thị trường, nhu cầu sản phẩm, số đơn vị cạnh tranh,… và quan trọng hơn nữa là những nhà phân phối lớn đều quy định UPP lên các nhà phân phối đối tác, đại lý của họ.
Vấn đề cần làm rõ về UPP là UPP không đồng nghĩa với không được giảm giá mà nó có nghĩa là nó có khả năng giảm giá đồng loạt tại tất cả cả của hàng, hệ thống phân phối một dòng sản phẩm nào đó cùng lúc.
Hàng online có phải là hàng kém chất lượng?
Tùy đó là hàng gì? và phân phối bởi đơn vị nào? nếu đó là hàng chính hãng, xuất xứ nguồn gốc rõ ràng thì bạn hoàn toàn an tâm, thậm chí nó được lưu trữ tốt hơn khi mua trực tiếp ở cửa hàng. Việc lưu kho ở các cửa hàng đại lý chắc chắn không thể tốt hơn việc lưu kho ở xưởng nhà sản xuất, kho tổng.
Ngược lại, ở những dòng sản phẩm không có thương hiệu rõ ràng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đơn vị bán là cá nhân, công ty nhỏ lẻ thì chất lượng sẽ khác nhau, thậm chí hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng rất nhiều.
Nhìn chung mua online hàng kém chất lượng hay không phụ thuộc rất nhiều vào: dòng sản phẩm, người bán, đơn vị bán hàng.
Chính sách đổi trả và bảo hành khác với mua tại cửa hàng?
Không, nếu bạn mua hàng chính hãng thì chính sách đổi trả, bảo hành, lắp đặt hay các chính sách khác nếu có hoàn toàn như nhau. Chưa kể một số chính sách đặc biệt, quà tặng cũng còn chỉ ưu đãi cho các đơn đặt hàng trực tuyến. Slogan bạn thường thấy của hầu hết các sàn TMĐT, trang mua sắm trực tuyến, siêu thị điện máy đó là:
Mua online giá rẻ hơn!
Khi nào nên mua sắm online khi nào không nên?
Khi bạn mua các dòng sản phẩm chính hãng, có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì tốt nhất nên mua ở những đơn vị lớn, uy tín hoặc bạn hiểu rõ về sản phẩm, người bán, đơn vị bán. Ngược lại, bạn cứ tới trực tiếp để xem hàng nếu có thể hoặc có thể chọn hình thức COD và người bán có đồng kiểm để chủ động bảo vệ quyền lợi của mình.
Một số đơn vị bán hàng online chính hãng có chính sách và dịch vụ bán hàng uy tín bạn có thể tham khảo là: Cellphones, Điện Máy Xanh, FPT Shop, Lazada, Sendo, Shopee, Thế Giới Di Động, Tiki,…