Đồng kiểm là gì?
Đồng kiểm là thuật ngữ chỉ việc hàng hoá được kiểm tra thông tin, tình trạng dưới sự đồng thuận bởi nhân viên giao nhận và người bán trước khi thực hiện vận đơn tới khách hàng (người mua). Sau đó, tiếp tục đồng kiểm giữa người mua và nhân viên giao nhận bằng việc mở gói hàng kiểm tra trước khi thanh toán đối với các trường hợp thu hộ (ship COD).
Tuy nhiên, việc có nên duy trì việc đồng kiểm hàng hoá hay không hiện tại vẫn có nhiều quan điểm khác nhau giữa các đơn vị bán, sàn thương mại điện tử (TMĐT). Có đơn vị cho phép, có đơn vị không, có đơn vị có chính sách song song cả 2 hình thức: đồng kiểm hoặc không đồng kiểm.
Vậy tại sao lại có sự đối lập này? cùng blog tham khảo nguyên nhân và lý do để hiểu rõ hơn về đồng kiểm hàng hoá các bên nhé!
Tại sao không cho đồng kiểm hàng hoá khi mua online?
Thực tế việc đồng kiểm khi mua sắm trực tuyến khá phổ biến ở Việt Nam ngay từ những ngày đầu TMĐT phát triển. Tuy nhiên, hiện tại ở các sàn TMĐT lớn thì gần như đã ngừng đồng kiểm. Mặc dù vậy nhưng một số sàn vẫn cho phép người bán thoả thuận đồng kiểm với người mua dưới hình thức là dịch vụ gia tăng. Trên cương diện pháp luật thì điều 44 Luật thương mại 2005 có quy định về việc kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng, tuy nhiên điều khoản này là điều khoản mở và không bắt buộc đối với người bán và các đơn vị sàn TMĐT.
Ngoài ra, khi mua sắm tại các đơn vị bán hàng online, web bán hàng trực tuyến thì việc đồng kiểm vẫn được thực hiện phổ biến dưới sự đồng thuận của người bán và người mua. Hình thức thường được người mua sử dụng là ship COD (giao hàng, kiểm tra hàng đồng ý thì mới thanh toán hoặc chuyển khoản 1 phần chi phí đơn hàng, vận chuyển).
Thực sự việc đồng kiểm hàng hoá là không cần thiết?
Thực tế đúng là như vậy vì nhân viên giao nhận hàng hoá không thể hiểu rõ thông tin, chất lượng, đặc tính,… của rất nhiều sản phẩm được giao mỗi ngày. Đặc biệt là các dịch vụ chuyển phát nhanh của đối tác bên thứ 3 của các sàn TMĐT. Điểm này cho thấy tính hiệu quả của việc đồng kiểm hàng hoá là không cao và giảm hiệu xuất dịch vụ, tăng thời gian xử lý vận đơn của các đơn vị vận chuyển rất nhiều ở các dòng sản phẩm có đặc tính kỹ thuật, thông số,… (chi phí thời gian). Phía người mua cũng tương tự, có nhiều khách hàng cũng không muốn mất thời gian đồng kiểm khi trong hầu hết tình huống việc này tốn nhiều thời gian hạn hẹp của họ (giờ hành chánh).
Ngoài ra, các sàn TMĐT cung cấp dịch vụ cho phép đồng kiểm sẽ yêu cầu người bán chịu chi phí cho việc này, đây cũng là lý do ít người bán lựa chọn dịch vụ này thay vào đó họ cung cấp dịch vụ mang lại trải nghiệm tốt, sản phẩm có chất lượng, thông tin chính xác như mô tả đã đăng bán để giảm thiểu khả năng đổi/ trả hàng hoá.
Đối với các bên có chính sách dịch vụ, sản phẩm chặt chẽ ngay từ việc quản lý sản phẩm đầu vào thì đồng kiểm là thao tác không cần thiết, họ đã đồng kiểm chất lượng hàng hoá trước khi nhập kho hoặc đóng gói gửi tới người mua (Tiki Trading, LazMall, ShopeeMall, SenMall). Cũng ở điểm này blog nhìn nhận các sàn TMĐT không ngừng cải thiện trải nghiệm để mang lại sự hài lòng cho người mua.
Chính sách hỗ trợ vấn đề hàng hoá phát sinh nếu không cho đồng kiểm?
Hiện tại khâu giao nhận hàng hoá là một trong những khâu phát sinh nhiều vấn đề giữa các bên nhất như: đơn hàng không đúng sản phẩm, người nhận không phải trực tiếp đặt hàng (người thân nhận hộ), người bán lừa đảo đơn hàng, nhân viên giao nhận tráo hàng,…
Điều này thực tế là vấn đề hay xảy ra đối với các shop người bán không phải shop bán các thương hiệu chính hãng, official store, flagship store, shop mall như: lazadamall, shopeemall, senmall, tiki trading. Do đó, các bên đều có chính sách khuyến khích khách hàng sau khi nhận hàng từ shipper nên kiểm tra sơ qua trạng thái gói hàng bên ngoài nếu phát hiện bất thường thì không nên nhận hàng. Ngược lại, nếu nhận hàng thì quá trình mở gói hàng nên quay video chi tiết toàn bộ lại để dùng làm bằng chứng tranh chấp khi phát sinh vấn đề với gói hàng.
Điều này, cơ bản giải quyết được các vấn đề “mua một đằng giao một nẻo“, hàng hoá hỏng hóc,… Các shop người bán làm ăn uy tín họ rất ngại tranh chấp liên quan tới đơn hàng với khách hàng vì rất mất thời gian, chưa kể họ còn bị đánh giá không tốt trước chính sách của sàn và khách. Do đó, đa phần họ luôn cố gắng cung cấp và duy trì trải nghiệm dịch vụ tốt, đóng gói các sản phẩm bán ra đúng với mô tả của mình cũng như quy định của sàn. Ngược lại, các shop người bán gian dối thì hiện tại sẽ bị sàn loại bỏ ngay và tiền hàng sẽ được hoàn lại tài khoản của người mua (*).
Ngoài ra, thời điểm hiện tại việc xử lý các gian hàng người bán kém uy tín rất khắt khe, chính vì vậy những cá nhân, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, sản phẩm kém chất lượng đều dần bị loại bỏ khỏi các sàn TMĐT lớn. Đúng hơn là chính sách kiểm soát chất lượng người bán được các sàn theo sát ngay từ khi người bán ở gian hàng.
(*) ở bất cứ hình thức thanh toán nào tại các sàn TMĐT như thanh toán qua thẻ, COD, ví điện tử,… tất cả tiền hàng hoá đều nằm ở đơn vị trung gian là sàn. Người bán sẽ không nhận được tiền cho tới khi có sự xác nhận từ người mua rằng hàng hoá không có vấn đề và không tranh chấp.
Tìm kiếm có liên quan: Tiki đồng kiểm, Lazada không cho đồng kiểm, Shopee không cho kiểm hàng, Sendo có cho kiểm tra hàng trước khi nhận không? Biên bản đồng kiểm Shopee, Gửi hàng đồng kiểm là gì?
Thắc mắc về đồng kiểm hàng hóa tại các sàn TMĐT Việt Nam?
Thông tin liên quan tới vấn đề đồng kiểm ngay sau đây có thể thay đổi tại thời điểm bạn tham khảo nội dung này. Do đó, blog mong bạn ngay sau khi tham khảo thông tin, nếu còn vấn đề cần giải đáp, thắc mắc về đồng kiểm sản phẩm thì tốt nhất liên hệ, chát với chủ shop hoặc sàn TMĐT trước khi đặt hàng nhé!.
Có thể bạn quan tâm: Hotline số điện thoại tổng đài hỗ trợ các trang thương mại điện tử Việt Nam?
Tiki có cho đồng kiểm sản phẩm không?
Có, hiện tại khi có nhu cầu đồng kiểm hàng hóa trước khi nhận từ nhân viên giao hàng bạn được kiểm tra hàng hóa trước khi nhận. Cụ thể quy định theo chính sách này tại Tiki cơ bản như sau:
Nhằm đáp ứng nhu cầu và bảo vệ tối đa quyền lợi khách hàng khi sử dụng dịch vụ của Tiki. Tiki đã triển khai chính sách hỗ trợ việc xem và kiểm tra hàng hóa khi giao hàng. Khách hàng khi nhận hàng từ nhân viên vận chuyển có thể mở niêm phong thùng hàng của Tiki để kiểm tra hàng hóa.
Tiki khuyến khích quý khách nên kiểm tra niêm phong thùng hàng trước khi nhận hàng. Trong trường hợp niêm phong của Tiki có dấu hiệu bị tháo gỡ, quý khách có thể yêu cầu kiểm tra nội dung hàng hóa bên trong để hạn chế rủi ro.
Lưu ý: việc kiểm tra sẽ không bao gồm mở seal (niêm phong) riêng của sản phẩm (gây ảnh hưởng đến tem dán niêm phong, bao bì sản phẩm,…) hay kiểm tra sâu (cắm điện, sử dụng thử, ghi chép dữ liệu,…). Trong trường hợp nhân viên vận chuyển yêu cầu quý khách ký vào biên bản xác nhận khách hàng đã nhận đủ và nguyên vẹn tất cả sản phẩm (biên bản đồng kiểm).
Đối với đơn hàng đã được thanh toán trước, nhân viên giao nhận có thể yêu cầu người nhận hàng cung cấp CMND /giấy phép lái xe để chụp ảnh hoặc ghi lại thông tin.
Tiki khuyến khích quý khách sử dụng tối đa quyền lợi trên trước khi ký xác nhận với nhân viên giao hàng.
Nhìn chung quy trình đồng kiểm này Tiki đã hỗ trợ tối đa cho khách hàng để đảm bảo sản phẩm nguyên seal (từ hãng), không có sự đánh tráo sản phẩm (hy hữu). Do đó, khâu tiếp theo bạn vẫn cần quay video 6 mặt quá trình mở hộp sản phẩm, mở seal,… để làm bằng chứng chắc chắn khi cần tranh chấp sau này. Về sản phẩm điện tử, điện lạnh hay đồ công nghệ có thông số kỹ thuật, màu sắc, IMEI, model cụ thể thì bạn an tâm là rất hiếm khi có sự sai xót trong đóng gói và giao hàng (trừ khi thỏa thuận với người mua trước đó rồi).
Tham khảo thêm: Hotline tiki, số điện thoại tổng đài tiki, hỗ trợ Tiki, giải quyết khiếu nại Tiki
Shopee có cho đồng kiểm không?
Không, hiện tại Shopee không còn hỗ trợ khách hàng đồng kiểm sản phẩm nữa. Do đó, trước khi nhận hàng hay không bạn chỉ được kiểm tra tình trạng gói hàng, thông tin đơn hàng về người bán, người nhận, mã vận đơn chính xác với thông tin đặt hàng của bạn. Khi có các dấu hiệu cho thấy tình trạng sản phẩm không còn nguyên vẹn, trọng lượng cảm giác không đúng với sản phẩm bạn đặt, có dấu hiệu bị mở,… bạn có quyền từ chối nhận hàng và báo ngay với Shopee.
Lazada có hỗ trợ đồng kiểm không?
Không, hiện tại Lazada cũng không còn hỗ trợ khách hàng đồng kiểm sản phẩm nữa. Chính sách không cho đồng kiểm sản phẩm của Lazada có hiệu lực từ ngày 15/3/2019. Do đó, với chính sách này người mua không được kiểm tra hàng hóa trước khi thanh toán như trước đây mà chỉ có thể kiểm tra bên ngoài gói sản phẩm về thông tin đơn hàng, tình trạng đơn hàng, mã vận đơn,…
Tham khảo thêm: Hotline Lazada số điện thoại tổng đài lazada hỗ trợ khách hàng
Sendo có cho kiểm tra khi nhận hàng không?
Có, hiện tại Sendo có hỗ trợ đồng kiểm sản phẩm. Tuy nhiên, việc đồng kiểm hàng hóa tại Sen Đỏ là dạng dịch vụ giá trị gia tăng cho người bán (như đã mô tả ở trên). Do đó, nếu người bán cho phép kiểm hàng thì mới áp dụng đồng kiểm, ngược lại bạn không được kiểm tra hàng. Hãy liên hệ với shop hỏi trước cũng như thỏa thuận kiểm tra hàng đối với đơn hàng của bạn trước khi tiến hành đặt hàng và thanh toán cho phù hợp với nhu cầu bạn nhé!